Kiến thức cơ bản về các loại vải sợi trong ngành dệt may khăn tắm trên thị trường hiện nay


  • 5 / 5 ( 1 Phiếu)

    Hiện nay trên thị trường may mặc có rất nhiều các loại vải sợi khác nhau với tính chất và giá thành rất đa dạng. Để giúp khách hàng có cái nhìn tổng thể hơn về các loại chất liệu vải sợi đang được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, công ty may Phương Nam xin được giới thiệu đến các bạn cách phân biệt các loại vải sợi thông dụng.

    Tổng quan về những loại vải sợi thông dụng

    Có rất nhiều các loại vải sợi đang được sản xuất và lưu hành trên thị trường nhưng gói gọn lại 3 nhóm chính được phân theo nguồn gốc của sợi vải.

    3 nhóm vải sợi chính thông dụng đó làvải sợi thiên nhiên, vải sợi tổng hợpvải sợi pha (kết hợp vải sợi thiên nhiên và vải sợi tổng hợp). Mỗi loại vải sợi đều có những tính chất rất đặc trưng riêng. Để dễ dàng nhận biết, còn dựa vào những mục đích sử dụng khác nhau.hay nói đúng hơn là dùng để may mặc các kiểu trang phục khác nhau, sử dụng trong những mùa khác nhau trong năm.

    Ví dụ: Mùa hè thì nên mặc các trang phục được may bằng các loại vải có độ thoáng mát cao (làm bằng vải sợi tự nhiên như là sợi cotton, sợi tơ tằm). Trang phục thể thao thì nên được may bằng các loại vải có độ bền hoặc độ co giãn cao, (các loại vải tổng hợp (nhân tạo) hay vải sợi pha) để có thể đảm bảo độ bền thích hợp với quá trình tập luyện và hoạt động mạnh liên tục.

    kiến thức về sợi vải

    Giới thiệu về tính chất, cách bảo quản của các loại vải sợi thông dụng hiện nay

    I. VẢI SỢI THIÊN NHIÊN

    Vải sợi thiên nhiên là loại vải được đệt từ các sợi có sẵn trong thiên nhiên. Chủ yếu là từ các loại cây trồng do con người trồng và chăm sóc để khai thác lấy sợi dể dệt vải, đây là loại vải sợi chính được sử dụng từ hàng ngàn năm qua. Từ thời cổ đại cho đến trước khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu, loài người chỉ sử dụng các loại vải từ tự nhiên để làm trang phục. Các loại cây trồng chính để thu lấy sợi dệt vải là: cây bông vải, cây lanh, cây gai, cây đay,… Chúng ta có thể thu được các loại sợi lanh, sợi gai, sợi đay để dệt ra các loại vải theo phương pháp thủ công hay công nghiệp.

    kén tằm

    cây bông vải

    dệt lụa tơ tằm

    Ngoài các loại vải sợi tự nhiên có nguồn gốc từ thực vật mà chúng tôi vừa đề cập ở trên thì cũng có nhiều loại vải sợi có nguồn gốc từ động vật. Cụ thể như:

    • Vải lụa tơ tằm thu được từ việc nuôi tằm lấy tơ.
    • Vải len được dệt từ lông các loài thú như cừu, dê, lạc đà, thỏ mà chủ yếu là từ cừu.

    Vải sợi thiên nhiên được dùng phổ biến trên thế giới cũng như ở nước ta là vải dệt từ sợi bông, vải len, dạ và lụa tơ tằm. Đặc biệt hiện nay, các loại vải lụa tự nhiên có nguồn gốc từ tơ tằm luôn là một loại vải quý được thế giới rất ưu chuộng và có giá bán cũng rất cao.

    nuôi cừu lây lông dệt vải

    Nuôi cừu lấy lông

    1. Vải Cotton (xơ cellulose)

    Nguồn gốc: Dệt từ sợi bông của cây bông vải, một loại cây trồng được biết tới từ thời cổ đại.

    Ưu điểm: Hút ẩm cao, thấm hút mồ hôi rất tốt (sợi bông có khả năng hút/ thấm nước rất cao, có thể thấm nước đến 65% so với trọng lượng) nên các loại quần áo may bằng vải sợi bông mặc rất thoáng mát, dễ chịu. Vải cotton thích hợp với khí hậu nhiệt đới hay các loại trang phục, khăn bông, khăn tắm… trong mùa hè. Sợi bông trong vải cotton thân thiện với da người (không làm ngứa) và không tạo ra các nguy cơ dị ứng. Chính vì vậy, sợi bông trở thành nguyên liệu quan trọng trong ngành dệt may.

    Trong ngành may mặc và chế biến người ta phân biệt các loại bông trước tiên theo chiều dài của sợi, sau đó đến mùi, màu và độ sạch của cuộn sợi. Sợi bông càng dài thì các sản phẩm (khăn tắm khách sạn, khăn spa, khăn bông, khăn dệt logo…) càng có chất lượng cao. Sợi bông dễ cháy nhưng có thể nấu trong nước sôi để tiệt trùng.

    Nhược điểm: Dễ bị co, dễ nhăn nhàu nên phải ủi nhiều lần, khi ủi xong khó giữ nếp, dễ bám bẩn (sợi bông có khuynh hướng dính bẩn và dính dầu mỡ), giặt khó sạch. Ngoài ra độ bền của vải không cao, dễ chảy sệ hoặc bị kéo dãn, dễ bị mục do vi khuẩn, nấm mốc xâm hại.

    Cách nhận biết: Khi kéo đứt sợi thấy dai và chỗ đứt không bị xù lông. Khi vò nhẹ vải đẻ lai nhiều nếp nhăn. Khi đốt vải cháy nhanh và có mùi như giấy cháy, tàn tro trắng mủn nhanh. Khi đổ nước lên vải, vải rất hút nước, chỗ ướt loang rộng rất nhanh.

    Ứng dụng: Dùng may quần áo mặc mùa hè, phù hợp để may quần áo trẻ em, người già, người bệnh, trang phục lao động và trang phục quân đội. Vải cotton còn thích hợp cho đồ dùng sinh hoạt cần hút ẩm tốt như áo gối, chăn mền, tấm trải gường, khăn tay, khăn tắm, khăn bàn, khăn ăn, giày vải .

    Bảo quản: Nhiệt độ ủi thích hợp từ 180 – 200 độ C, là khi vải ẩm, giặt bằng xà phòng kiềm. Phơi ngoài nắng, cất giữ nơi khô ráo để tránh bị ẩm mốc.

    2.Vải Lụa Tự Nhiên (xơ protid)

    vải lụa tự nhiên

    Nguồn gốc: Dệt từ tơ của kén tằm. Có 4 loại tơ tằm tự nhiên, tơ của tằm dâu là loại được sản xuất nhiều chiếm 95% sản lượng trên thế giới. Sợi tơ tằm được tôn vinh là “Nữ Hoàng” của ngành dệt mặc dù sản lượng sợi tơ sản xuất ra thấp hơn nhiều so với các loại sợi khác như: bông, đay, gai. Lụa là một loại vải mịn, mỏng được dệt bằng tơ. Loại lụa tốt nhất được dệt từ tơ tằm.

    Ưu điểm: Chất vải sáng, rất mềm mại, bóng mượt, nhẹ. Hút ẩm tốt, đem lại cảm giác thoáng mát cho người mặc. Cách nhiệt tốt nên mặc mát vào mùa hè ấm vào mùa đông.

    Nhược điểm: Kém chịu nhiệt, nhiệt độ cao làm tơ lụa bị giòn, ánh nắng và mồ hôi dễ làm tơ dễ bị mục và úa vàng, vải dễ co rút và nhăn. Kém bền với chất kiềm như bột giặt. Sợi tơ có thể hút ẩm, bị ảnh hưởng bởi nước nóng, axit, bazơ, muối kim loại, chất nhuộm màu.

    Cách nhận biết: Sở mát tay, mặt vải láng mịn (người cầm có thể cảm nhận được vẻ mịn và mượt mà của lụa không giống như các loại vải dệt từ sợi nhân tạo), óng ánh (mặt cắt ngang sợi tơ có hình dạng tam giác với các góc tròn, vì có hình dạng tam giác nên ánh sáng có thể rọi vào ở nhiều góc độ khác nhau, sợi tơ có vẻ óng ánh tự nhiên). Khi đốt lụa cháy chậm và có mùi khét như tóc cháy (tính chất chung của các loại vải có nguồn gốc từ đồng vật hay còn gọi là xơ protid), đầu đốt sủi bọt màu nâu, xốp, bóp vỡ vụn.

    Ứng dụng: Lụa tơ tằm được dùng phổ biến nhất để may áo dài, váy dạ hội, đồ lễ phục, các hàng thời trang cao cấp. Quần áo bằng lụa rất thích hợp với thời tiết nóng và hoạt động nhiều vì lụa dễ thấm mồ hôi. Trang phục bằng lụa cũng thích hợp cho thời tiết lạnh vì lụa dẫn nhiệt kém làm cho người mặc ấm hơn.

    Bảo quản: Nhiệt độ là thích hợp từ 140 – 150 độ C. Là ở mặt trái hoặc mặt phải, dùng khăn ẩm để lên mặt vải trước khi là ở mặt phải. Nếu là ở nhiệt độ quá cao, tơ sẽ mất độ bóng. Vì vậy, bạn không nên ngâm vải lâu trong xà bông. nên giặt bằng xà phòng trung tính như dầu gội đầu, chanh, bồ kết trong nước ấm. Không nên phơi ở những nơi có nhiệt độ và ánh nắng gắt sẽ làm lụa bị giòn và úa vàng. Bạn nên phơi ở nơi râm mát, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào vải.

    3. Vải Len (xơ protid)

    vải len

    Nguồn gốc: Vải được dệt từ sợi thu được từ lông cừu và một số loài động vật khác (dê, lạc đà…). Người ta sản xuất len bằng dụng cụ quay các sợi lông cừu lại với nhau hay bện lại thành một liên kết sợi.

    Đánh giá về chất lượng của sợi len được xác định: bởi đường kính sợi, quá trình uốn, năng suất, màu sắc, và độ bền. Trong đó, đường kính sợi len yếu tố đánh giá chất lượng quan trọng nhất để xác định đặc tính và giá thành.

    Ưu điểm: Giữ được nhiệt tốt, thường được may đồ giữ ấm, được yêu thích ở các nước ôn đới. Vải nhẹ, xốp, có độ bền cao. Ít nhăn, ít co giãn, ít hút nước.

    – Nhược điểm: Kém bền với kiềm, dễ bị vi khuẩn, nấm mốc phá huỷ.

    Cách nhận biết: Bạn sẽ cảm giác thô ráp khi cầm nắm, mặt vải có xù lông cứng, khi kéo đứt sợi có độ kéo dãn lớn. Vải cháy yếu, có mùi khét như tóc cháy (xơ protid). Tro tàn đen, xốp, dễ vỡ. Len bị đốt cháy ở nhiệt độ cao hơn bông và một số sợi vải tổng hợp.

    Ứng dụng: Dùng để may quần áo mặc ngoài về mùa đông như áo khoác, áo dạ, áo măng tô, làm chăn, khăn quang cổ, mũ len, găng tay, tất. Cung cấp nguyên liệu để dệt, đan, chế tạo các loại áo len là mặt hàng áo giữ ấm thông dụng trên thế giới, nhất là những nước có khí hậu lạnh.

    Bảo quản: Giặt bằng xà phòng trung tính tránh ngâm lâu. Các loại hàng len cao cấp thường phải giặt khô, là bằng hơi. Lý do là nếu giặt bình thường sẽ bị biến dạng, giảm chất lượng và vẻ đẹp của sản phẩm. Tránh giặt bằng nước nóng, phơi khô ở nơi râm mát, thoáng gió, cất giữ cẩn thận.

    II. VẢI SỢI HÓA HỌC

    Là loại vải được dệt bằng sợi hoá học. Vải sợi hoá học có ưu điểm là trên bề mặt không có tạp chất, ít bị vi sinh vật và nầm mốc phá hủy. Căn cứ vào nguyên liệu ban đầu và phương pháp sản xuất mà người ta chia sợi hoá học ra làm hại loại là sợi nhân tạo (nguyên liệu là các loại tre, gỗ, nứa…có hàm lượng cellulose cao) và sợi tổng hợp (nguyên liệu ban đầu là than đá, dầu mỏ, khí đốt)

    Sợi nhân tạo: Nguyên liệu là các loại tre, gỗ, nứa…có hàm lượng cellulose cao. Các nguyên liệu ban đầu được hoà tan trong các chất hoá học như soude, carbone disulfure, axit sulfurique, muối sulfate để có thể kéo thành sợi có thể dệt vải. Hai đại diện tiêu biểu của sợi nhân tạo Cellulose là sợi Viscose (rayon, polino…) và sợi Acetate.

    Sợi tổng hợp: Nguyên liệu ban đầu là than đá, dầu mỏ, khí đốt, trải qua quá trình chuyển đổi phức tạp như chưng than đá, cracking dầu mỏ, tổng hợp polimer tạo thành nguyên liệu để sản xuất sợi tổng hợp. Các nguyên liệu này có thành phần, tính chất khác hẳn nguyên liệu ban đầu.

    Có 5 nhóm chính phổ biến nhất của sợi tổng hợp là:

    1. Sợi PA (sợi polyamid dùng để dệt lụa nilon, vải dệt kim, dệt bít tất, chỉ may).
    2. Sợi PE (sợi polyester dùng để dệt, pha với cotton, với sợi viscose để dệt hàng vải pha).
    3. Sợi PAC dùng làm nguyên liệu dệ len nhân tạo ; pha với các loại sợi khác để dệt hàng vải pha.
    4. Sợi PVA dùng dệt vải may quần áo lao động, xe dây thừng, dây chão, lưới đánh cá.
    5. Sợi PU dùng dệt vải lycra, pha với các loại sợi khác để dệt vải may y phục ôm sát cơ thể như áo vận động viên, áo tắm, quần áo lót.

    Cùng công ty khăn Phương Nam liệt kê qua các loại vải được dệt từ các sợi hóa học thông dụng nhất hiện nay:

    1. Vải dệt từ sợi nhân tạo Viscose – Rayon

    Nguồn gốc: Nguyên liệu là các loại tre, gỗ, nứa… các thành phần có hàm lượng cellulose cao. Về bản chất, viscose hoàn toàn tương tự như cotton, chỉ khác biệt ở 1 số tính chất vật lý và hoá học. Cấu trúc tinh thể trong viscose nhỏ hơn cotton 4 – 5 lần và mức độ định hướng thấp hơn. Sợi viscose yếu hơn sợi cotton. Sợi tơ viscose bóng hơn cotton và thân có hình trụ tròn hơn cotton. Viscose phản ứng với chất hoá học nhanh hơn cotton và phản ứng cả trong những điều kiện mà cotton tỏ ra khá bền như dung dịch kiềm đặc lạnh hay loãng nóng.

    Ưu điểm: Mặt vải mềm mại, bóng. Hút ẩm tốt.

    Nhược điểm: Dễ nhàu, hay bị co ngắn lại.

    Cách nhận biết: Mặt vải thường mềm mại. Khi đốt cháy tro tàn rất ít và chỉ có ở đầu đốt.

    Ứng dụng: Vải rayon, satin dùng để may quần áo mặc ngoài, vải lót các loại quần áo cao cấp như veston.

    Bảo quản: Nhiệt độ là thích hợp từ 130 – 140 độ C. Do dễ bị nhàu nên phải là với hơi nước. Giặt bằng xà phòng thường, không ngâm lâu, không vắt mạnh tay. Phơi trong bóng râm hoặc ở nơi thoáng khí.

    2. Vải sợi Acetate (CA)

    Nguồn gốc: Nguyên liệu là các loại tre, gỗ, nứa…các thành phần có hàm lượng cellulose cao.

    Ưu điểm: Mặt vải mịn màng nhìn rất giống lụa thiên nhiên (nên acetate còn gọi là lụa nhân tạo) và tạo cảm giác cũng giống như vậy. Chất liệu này ít nhăn, dễ chăm sóc, ít bị trương nở, ít thấm nước.

    Nhược điểm: Chất vải có độ bền kém và bị phá hủy bởi các loại acid, đặc biệt các loại acid vô cơ như Sulfuric acid, cũng như các chất kềm.

    Cách nhận biết: Mặt vải thường mềm mại. Khi đốt cháy tro tàn rất ít, tàn vón cục, bóp không vỡ.

    Ứng dụng: Với mặt vải mịn màng như lụa vải sợi Acetat thường được dùng làm sơ mi, áo phụ nữ, áo đầm, vải lót, vải may cà vạt, đồ lót phụ nữ.

    Bảo quản: Vì không chịu được chất kềm nên tránh dùng các loại bột giặt (tẩy) có độ kềm cao với loại sợi này. Để bảo quản độ bóng như lụa, vải sợi Acetate chỉ nên giặt với nước ấm và chỉ nên ủi mặt trong của quần áo lúc còn đang ẩm.

    3. Vải dệt từ sợi tổng hợp polyamid (PA) – Nylon

    Nguồn gốc: Nguyên liệu ban đầu là than đá, dầu mỏ, khí đốt.

    Ưu điểm: Khá nhẹ, khó bắt bụi, có độ bến kéo, bền ma sát, bền vi khuẩn rất cao, độ đàn hồi tương đối tốt nên ít bi nhàu nát, phơi nhanh khô.

    Nhược điểm: Hút ẩm kém (khoảng 4,5%), khó thoát hơi, thoát khí, do đó khi mặc sẽ bị bí hơi. Bị lão hoá, trở nên ố vàng và giòn theo thời gian, nhất là khi thường xuyên phơi lâu dưới ánh nắng. Khả năng chịu nhiệt kém, dễ bị co và mềm nếu nhiệt độ bàn ủi quá 150 độ C.

    Cách nhận biết: Mặt vải bóng, sợi đều. Khi đốt, xơ cháy đầu đốt bị chảy nhựa màu hổ phách, cứng khi nguội và bóp không vỡ.

    Ứng dụng: Vải Nylon, dùng để may áo lót hoặc lót áo jacket.

    Bảo quản: Là ở nhiệt độ thấp, từ 120 – 150 độ C. Giặt bằng xà phòng giặt thường và phơi trong bóng râm. Không giặt bằng nước nóng quá 40 độ C.

    4. Vải dệt từ sợi tổng hợp polyester (PE)

    Nguồn gốc: Nguyên liệu ban đầu là than đá, dầu mỏ, khí đốt. Polyester là một loại sợi tổng hợp với thành phần cấu tạo đặc trưng là ethylene (nguồn gốc từ dầu mỏ). Quá trình hóa học tạo ra các polyester hoàn chỉnh được gọi là quá trình trùng hợp. Có bốn dạng sợi polyester cơ bản là sợi filament, xơ, sợi thô, và fiberfill.

    Ưu điểm: Độ bền rất cao, không bị nấm mốc phá huỷ. Rất bền với ánh sáng và nhiệt độ cao, độ định hình cao, không bị co, không chảy xệ, giữ được form quần áo, khăn bông, khăn tắm… rất tốt. Do đó quần áo dễ là định hình và giữ nếp rất lâu, không bị mất đi sau khi giặt. Khả năng hấp thụ thấp của Polyester giúp nó tự chống lại các vết bẩn một cách tự nhiên. Vải PE không bị co khi giặt, chống nhăn và chống kéo dãn. Nó cũng dễ dàng được nhuộm màu nên có thể dễ dàng chọn màu cho trang phục, tấm khăn tắm…

    Nhược điểm: Hút ẩm kém, mặc nóng.

    Cách nhận biết: Mặt vải bóng. Khi đốt vải cháy chậm có mùi khét của nhựa cháy, cháy xong vón cục cứng, bóp không vỡ, không có tro.

    Ứng dụng: Vải dệt từ sợi polyester may nhiều loại y phục cho cả nam lẫn nữ, rất bền, giữ nếp rất đẹp, tuy nhiên do hút ẩm kém, không tạo được cảm giác mát mẻ nên thường được pha với cotton để may y phục hơn là dùng vải PE đơn thuần. PE trở thành một loại vải hoàn hảo đối với những ứng dụng chống nước, chống bụi, chống cháy và cách nhiệt do đó nó được dùng nhiều để sản xuất gối, chăn, áo khoác ngoài và túi ngủ.

    Bảo quản: Là ở nhiệt độ thấp từ 150 – 170 độ C. Giặt bằng xà phòng giặt thường, không giặt bằng nước nóng quá 40 độ C.

    III. VẢI SỢI PHA

    Như đã đề cập ở trên khi chúng ta xét đến 2 nhóm vải sợi dựa vào nguồn gốc (vải sợi tự nhiên và vải sợi tổng hợp). Mỗi loại đều có những ưu nhược điểm riêng có thể nói một cách tổng quan rằng.

    – Các loại vải sợi tự nhiên thì có chung mang lại cảm giác thoáng mát, thoải mái khi mặc, không gây kích ứng da nhưng cũng có chung nhược điểm là độ bền không cao, dễ nhàu nên hay phải ủi, vải hay bị co rút hay chảy xệ và thường là có giá thành cao.

    – Các loại vải sợi tổng hợp thường có chung ưu điểm là có độ bền cao, ít bám bẩn, không chảy xệ, không co rút nên giữ form áo rất tốt, ngoài ra giá thành cũng tương đối mềm hơn các loại vải sợi tự nhiên. Yếu điểm chủ yếu của các loại vải sợi nhân tạo là khả năng thấm hút mồ hôi kém nên không mang đến cảm giác thoáng mát khi mặc như đối với các loại vải sợi thiên nhiên, ngoài ra nhiều loại sợi nhân tạo rất dễ gây kích ứng da, nhất là đối với da của trẻ em. Chính vì lý do đó mà trong thực tế, người ta sử dụng vào lĩnh vực may mặc những loại vải pha thiên nhiên và sợi tổng hợp, nghĩa là các sợi khác nhau pha trộn theo một tỉ lệ nhất định để tạo thành loại vải mang tính ưu việt của các sợi thành phần.

    Một vài loại vải sợi pha tiêu biểu:

    1. Vải pha PECO: PE + COTTON
    Vải Tixi: Dệt bằng sợi pha theo tỉ lệ 65% sợi polyester và 35% sợi bông cotton được vải KT, gabardine, soire có được ưu điểm của hai loại vải PE và Cotton. Vải PE: bền, không nhàu, vải Cotton: hút ẩm tốt, mặc thoáng mát.

    Vải Sợi CVC (Chief Value of Cotton): Là sợi với thành phần chính là cotton; ví dụ CVC 65% cotton và 35% PE. Vải sợi pha này mang tính chất của cả hai loại sợi cấu thành nên nó là sợi cotton và PE.

    2. Vải pha PEVI: PE + VISCOSE : Sợi TR (Tetron Rayon)
    Là sợi với thành phần bao gồm PE và Viscose; ví dụ TR 65 % PE và 35 % Viscose. Vải sợi pha này mang tính chất của cả hai loại sợi cấu thành nên nó là sợi PE và sợi Viscose.
    Vải pha có những ưu điểm hơn hẳn vải sợi bông hoặc vải sợi hoá học: bền, đẹp, dễ nhuộm màu, ít nhàu nát, mặc thoáng mát, giặt chóng sạch, nhanh khô. Chính vì những ưu điểm có được mà vải pha được sử dụng rất rộng rãi để may chăn ga khách sạn và các loại quần áo, sản phẩm dệt may khác. Thông thường hiện nay đa số các sản phẩm thời trang thường được may bằng các loại vải sợi pha.

    Trên đây là tổng hợp những kiến thức cơ bản về các loại vải trong ngành dệt may khăn tắm trên thị trường hiện nay. Hi vọng sẽ giúp ích cho bạn đọc.

  • Rate this post
    Bài viết liên quan